Tổ chức Viện_Viễn_Đông_Bác_cổ

Hiện nay, EFEO là một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu (Ministère de l'Enseignement supérieur et de la Recherche) với nhiệm vụ tìm hiểu về các nền văn minh cổ châu Á chủ yếu trên thực địa. Lĩnh vực nghiên cứu của EFEO trải dài từ Ấn Độ cho tới Trung HoaNhật Bản, bao trùm toàn bộ Đông Nam Á theo ba hướng chính: các truyền thống về công trình kiến trúc, truyền thống chữ viết và tôn giáo, nghiên cứu về lịch sử và nhân loại học. 17 trung tâm và chi nhánh tại 12 quốc gia, bao gồm các nhà khoa học địa phương và quốc tế, giúp EFEO tiến hành các nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, tôn giáo...[5] Bên cạnh những trung tâm riêng biệt, nhiều chi nhánh của EFEO được đặt trong các trường đại học, viện hàn lâm, bảo tàng...[6]

Trụ sở tại Paris

Trụ sở chính của EFEO được đặt trong Maison de l’Asie (Nhà Á châu), số 22 đại lộ Président Wilson, Quận 16 thành phố Paris (48°51′52″B 2°17′32″Đ / 48,864429°B 2,292353°Đ / 48.864429; 2.292353). Đây là trung tâm chính có vai trò kết nối các chi nhánh ở nước ngoài. Maison de l’Asie đồng thời cũng là một địa điểm chuyên nghiên cứu về châu Á, nơi tổ chức các hội nghị, gặp gỡ, giới thiệu các tác phẩm mới liên quan đến châu Á. EFEO tại Paris còn mang chức năng một nhà xuất bản và cũng là trung tâm lưu trữ với một thư viện và một phòng trữ ảnh.[7]

Thư viện

Lão oa giảng độc, còn gọi là Thầy đồ Cóc, tranh dân gian Việt Nam lưu trữ tại thư viện EFEO

Thư viện của EFEO được thành lập ở Hà Nội vào năm 1903. Sự phát triển của thư viện chính là bằng chứng cho các thành tựu nghiên cứu của EFEO. Trong thời kỳ EFEO tại Hà Nội và Phnom Penh, từ 1900 tới 1957, thư viện đã tập hợp nhiều các tác phẩm in và viết tay liên quan tới Đông Dương. Nhờ mua lại, trao đổi, bộ sưu tập của thư viện không ngừng tăng lên. Vào năm 1944, thư viện ở Hà Nội đã tập trung được 80 ngàn cuốn sách, bao gồm cả các tác phẩm viết tay, trong đó một nửa là tài liệu với ngôn ngữ châu Âu. Vào cuối thời kỳ thuộc địa, theo các thỏa thuận giữa Viện Viễn Đông Bác cổ và ba quốc gia Đông Dương, những tài liệu với ngôn ngữ châu Âu thuộc về viện, còn những tài liệu ngôn ngữ địa phương thuộc về ba quốc gia bản địa. EFEO đã tiến hành sao chụp lại các tài liệu này rồi gửi về Paris. Hơn 12 ngàn cuốn sách, chủ yếu về Đông Nam Á, trở thành hạt nhân xây dựng nên thư viện tại Paris, được mở cửa vào năm 1968.[8]

Thư viện EFEO ngày nay tập hợp khoảng 83 ngàn bản chuyên khảo vào hơn 1000 tựa ấn phẩm định kỳ cùng nhiều tranh in tay, các bức hình. Các tài liệu lưu trữ thuộc nhiều lĩnh vực hơn, bao gồm cả Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Á. EFEO còn hợp tác với những cơ sở có lưu trữ tương tự (Collège de France, Thư viện ngôn ngữ phương Đông) và trao đổi ấn phẩm cùng một số trung tâm nghiên cứu châu Á khác ở châu Âu và Mỹ.[8]

Trung tâm lưu trữ ảnh

Bộ lưu trữ ảnh của EFEO rất phong phú về mặt tư liệu (khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử...) và trải rộng qua nhiều quốc gia (Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc...). Những bức ảnh đầu tiên chụp lại các cuộc khai quật do EFEO tiến hành từ đầu thế kỷ 20. Tiếp đó, một phần quan trọng khác là các di tặng, của Dalet, Bacot, Boulbet, Bénisti... Nhiều bức ảnh là minh chứng cho tình trạng các công trình trong quá khứ mà hiện nay - do chiến tranh, thời gian - đã bị thay đổi, hủy hoại. Một số khác ghi nhận quá trình khai quật và trùng tu do EFEO thực hiện trong hơn một thế kỷ.[9]

Hiện nay bộ sưu tập của EFEO gồm khoảng 30 ngàn bức ảnh về Campuchia, 7 ngàn về Việt Nam, 3 ngàn về Trung Hoa, 3 ngàn về Lào và một số lượng lớn nữa về Ấn Độ. Một phần trong số tư liệu này đã được số hóa.[9]

Trữ lượng tài liệu của thư viện EFEO tại Paris
Đông Nam Á.Nam Á

Về Đông Nam Á, EFEO sở hữu 25 ngàn chuyên khảo và 196 ấn phẩm định kỳ. Các tài liệu này bao gồm nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Việt, Khmer, Thái... cho tới tiếng Anh, Pháp. Trong số này có những tài liệu cổ, quý hiếm về lịch sử, địa lý, văn hóa các nước Đông Dương.

.

Khoảng 15 ngàn chuyên khảo về các nước Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Bhutan, Maldives, chuyên sâu về các lĩnh vực tôn giáo, lịch sử tôn giáo, triết học, văn học, nghệ thuật... Một phần lớn trong số tài liệu này được viết bằng ngôn ngữ bản địa. Riêng văn học, 3800 tựa với khoảng 30 ngôn ngữ minh chứng cho sự đa dạng văn hóa ở khu vực này.

.
Nhật Bản – Trung Quốc.Việt Nam

Về Nhật BảnTrung Hoa, thư viện tập hợp được 11 ngàn chuyên khảo, trong đó 75% bằng tiếng bản địa. Bên cạnh đó còn có 175 ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Nhật, 185 bằng tiếng Trung Quốc và 70 bằng ngôn ngữ châu Âu. Bộ sưu tập này phòng phú nhất về Phật giáo, tiếp đó tới đạo LãoShintō. Lĩnh vực nghệ thuật, khảo cổ cũng có khoảng hơn 2 ngàn cuốn sách.

.

Lưu trữ về Việt Nam của EFEO gồm 5 ngàn bản chuyên khảo. Trong đó có 1000 tựa về lịch sử, 1400 về văn học, 400 tựa về tôn giáo và triết học cùng nhiều tài liệu khác về nhân khẩu, ngôn ngữ, từ điển...

Trung tâm EFEO Hà Nội

Năm 1983, EFEO ký kết hợp tác với Viện Khoa học xã hội Việt Nam và sau đó là Đại học Hà Nội. Mười năm sau, EFEO mở lại trung tâm tại Hà Nội. Việc quay lại Việt Nam, nơi từng đặt trụ sở đầu tiên của viện, đã đánh dấu một bước phát triển mới của EFEO. Trung tâm tại Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho EFEO tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học châu Âu cũng như bản địa.[10] Cùng với Viện Hán Nôm, EFEO tiến hành dự án kiểm kê và công bố những tài liệu văn khắc trên các bia đá ở Việt Nam. EFEO cũng tham gia giám định hoàng thành Thăng Long, nghiên cứu về các nhóm dân tộc phía Bắc, lịch sử các triều đại Đại Việt và tiếp tục chương trình khảo cổ Óc EoĐồng bằng sông Cửu Long.[10]

Trung tâm ở Hà Nội cũng bao gồm một thư viện với 6 ngàn cuốn sánh tiếng Việt, Pháp, Anh chủ yếu về lịch sử và nhân loại học Việt Nam cùng các quốc gia kế bên. Bộ sưu tập của thư viện được mở rộng rất nhiều nhờ sự trao đổi tài liệu với các trung tâm nghiên cứu, trường đại học Việt Nam và nước ngoài. Vào năm 2005, giáo sư David Marr cũng tặng lại cho thư viện một bộ sưu tập cá nhân quan trọng.[11]

Trung tâm EFEO Thành phố Hồ Chí Minh

Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đầu tiên tại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) vào năm 1900, sau đó hai năm cơ quan EFEO mới chuyển văn phòng đặt tại Hà Nội.[12]

Để tăng cường mở rộng sự hợp tác nghiên cứu giữa EFEO và các nhà nghiên cứu ở phía Nam, Tòa trụ sở Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) chính thức khánh thành vào ngày 25 tháng 2 năm 2013 tại 113 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để đi vào hoạt động nghiên cứu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.[13]

Trung tâm EFEO Puducherry

Trung tâm của EFEO tại Puducherry

Năm 1955, nhà Ấn Độ học nổi tiếng Jean Filliozat, người giữ chức giám đốc EFEO hơn 20 năm, với sự ủng hộ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, đã mở một viện tại Puducherry chuyên nghiên cứu về Ấn Độ (Institut français à Pondichéry, IFP). Trong vòng nhiều năm, các thành viên của EFEO nhận trách nhiệm trong những chương trình của IFP về Ấn Độ học (triết học, lịch sử nghệ thuật, kiến trúc...). Hợp tác này vẫn còn tiếp tục sau năm 1964, khi EFEO có được trụ sở đầu tiên để lưu trữ các bộ sưu tập của mình. Đồng thời nơi đây cũng trở thành địa điểm để các học giả Pháp của EFEO gặp gỡ, hợp tác với các đồng nghiệp Ấn Độ.[14]

Đội ngũ của trung tâm hiện nay bao gồm các nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên cả người châu Âu và Ấn Độ. Rất nhiều kết quả được in trong bộ Collection Indologie (Bộ sưu tập Ấn Độ học) do EFEO và IFP phát hành hiện đã vượt quá 100 cuốn. Những nghiên cứu về văn học, khảo cổ, lịch sử cổ và đương đại của Ấn Độ còn được EFEO công bố trên các tạp chí chuyên ngành thế giới.[14]

Trung tâm tại Puducherry ngày nay cũng được trang bị một thư viện tới 9 ngàn tựa sách về Ấn Độ học, một bộ sưu tập bản đồ, hình vẽ cùng những tài liệu viết tay tiếng Phạn, tiếng Tamil, Manipravalam. Năm 2005, Les Manuscrits shivaïtes de Pondichéry gồm hơn 10 ngàn tài liệu do EFEO và IFP bảo tồn đã được UNESCO công nhận là Di sản lưu trữ thế giới (Memory of the World).[14]

Trung tâm EFEO Bắc Kinh

Trong thế kỷ 20, một số nhà Hán học nổi tiếng của EFEO như Paul Pelliot, Henri Maspero hay Rolf Alfred Stein đã tiến hành các nghiên cứu tại Trung Quốc. Nhưng phải tới năm 1994, EFEO mới mở chi nhánh đầu tiên ở Phúc Châu và tiếp đó năm 1997, trung tâm tại Bắc Kinh mới được thành lập. Đây là một bước tiến của chương trình hợp tác giữa EFEO với Viện Hàn lâm Khoa học Lịch sử Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Bắc KinhĐại học Thanh Hoa.[15]

Cùng các nhà khoa học Trung Quốc, EFEO tiến hành các dự án nghiên cứu về thủy nông và xã hội miền Bắc Trung Quốc, về đạo Lão, kiến trúc quốc phòng thời MinhThanh, lịch sử văn hóa, ngành in và xuất bản ở Huệ Châu... Một phần nhiều trong số những dự án này được các tổ chức quốc tế tài trợ. Trung tâm EFEO Bắc Kinh cũng xuất bản Pháp quốc Hán học (法国汉学 - Sinologie française), một tạp chí hàng năm bằng tiếng Trung Quốc do Bộ Ngoại giáo Pháp giúp đỡ.[15]

Tại Hồng Kông, EFEO cũng mở một trung tâm vào năm 1994, nằm trong Viện nghiên cứu Trung Hoa của Đại học Hồng Kông. Ngoài các chương trình nghiên cứu về tôn giáo, chính trị, xã hội, lịch sử... Trung tâm EFEO Hồng Kông còn tham gia đào tạo trong lĩnh vực lịch sử và tôn giáo Trung Hoa.[16]

Trung tâm EFEO Kyōto

Thành lập vào năm 1966, trung tâm EFEO Kyōto ngày nay có nhiệm vụ nghiên cứu về Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực đa dạng thuộc khoa học xã hội. Từ năm 2003, EFEO Kyōto hợp tác với Viện nghiên cứu cổ học của Đại học Kyōto trong nhiều hoạt động, trong đó có việc tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề nghiên cứu. Bên cạnh đó, EFEO Kyōto cũng phối hợp cùng nhiều trung tâm nghiên cứu khác, cả Nhật BảnHoa Kỳ. Từ 2002, EFEO Kyōto tổ chức hàng tháng Kyoto Lectures, một hội thảo về Nhật Bản học và Hán học. Trung tâm còn phát hành Cahiers d'Extrême-Asie, tạp chí khoa học tôn giáo bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, kết nối giới nghiên cứu Pháp và quốc tế.[17]

EFEO Kyōto cũng quản lý một thư viện đặc biệt phong phú về tôn giáo phương Đông, chủ yếu là Phật giáođạo Lão. Vào năm 1984, thư viện đã được giáo sư Étienne Lamotte di tặng lại một bộ sưu tập lớn. Các tài liệu từ Kyōto cũng góp phần làm phong phú cho thư viện EFEO ở Paris.[8]

Các trung tâm khác

Tính tới 2013, ngoài trụ sở chính tại Paris, EFEO có tất cả 18 trung tâm tại 13 quốc gia[18].

Quốc giaThành phốThành lập
PhápParis1958
CampuchiaPhnom Penh1990
CampuchiaSiem Reap1992
Hàn QuốcSeoul1994
Ấn ĐộPondichery1964
Ấn ĐộPune1964
IndonesiaJakarta1938
Nhật BảnKyoto1966
Nhật BảnTokyo1994
Quốc giaThành phốThành lập
LàoViêng Chăn2013
MalaysiaKuala Lumpur1987
MyanmaYangon2002
Hồng KôngHồng Kông1994
Trung QuốcBắc Kinh1997
Đài LoanĐài Bắc1992
Thái LanBangkok1997
Thái LanChiang Mai1988
Việt NamHà Nội1993
Việt NamThành phố HCM2013